TRAO TRẢ HỒ SƠ KỶ VẬT – LỜI TRI ÂN ANH HÙNG LIỆT SĨ
Những giọt nước mắt trong giây phút thiêng liêng của bà Hồ Thanh Thủy con ruột liệt sĩ Hồ Hữu Hy khi nhận lại được hồ sơ kỹ vật và rất xúc động, tự hào về hình ảnh người Cha kính yêu của mình
70 năm trước tại Bến sông Tiền - Cao Lãnh (gần bến phà Cao Lãnh ngày nay thuộc địa phận Khóm 6, Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nơi đặt tượng đài Tập kết ra Bắc - Di tích Quốc gia), chuyến tàu cuối cùng vào ngày 29 tháng 10 năm 1954 (trong 03 đợt từ tháng 8 – 10/1954) chuyển quân tập kết ra Bắc với tinh thần “Đi vinh quang - Ở anh dũng”. Đồng chí Hồ Hữu Hy lên tàu đi tập kết ra Bắc với tinh thần đoàn kết dân tộc, khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước và khi trở về miền nam tiếp tục chiến đấu vào năm 1966 đồng chí có về thăm gia đình, ngay sau đó trở về đơn vị chiến đấu và đã hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Ảnh: Quan cảnh buổi lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và Chuyến tàu tập kết ra Bắc
Nhằm tri ân, tôn vinh anh những hùng liệt sĩ khát khao hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước qua những tư liệu, kỷ vật trao lại cho gia đình có ý nghĩa vô cùng to lớn. Ngày 01/9/2024 tại tượng đài Tập kết ra Bắc - Di tích Quốc gia nơi liệt sĩ Hồ Hữu Hy tạm biệt quê hương, người thân, gia đình lên tàu đi tập kết ra Bắc cách đây 70 năm trước, tổ chức sự kiện kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và Chuyến tàu tập kết (1954), trong buổi lễ mời bà Hồ Thanh Thủy con ruột liệt sĩ đại diện gia đình đến giao lưu điểm cầu truyền hình, Bà rất xúc động khi được ông Trần Minh Lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp được cử đại diện chính quyền địa phương tận tay trao lại hồ sơ kỹ vật thiêng liêng của liệt sĩ Hồ Hữu Hy về với gia đình, phần nào xoa dịu sự hy sinh, mất mát của thân nhân, gia đình liệt sĩ với lòng tự hào, ký ức “như ngày trở về”. Hoàn cảnh của bà Hồ Thanh Thủy tương tự như nhân vật bé Thu trong tác phẩm “chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Ảnh: ông Trần Minh Lý, PGĐ Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp trao hồ sơ kỷ vật liệt sĩ
Qua sự kiện trao trả hồ sơ kỹ vật của liệt sĩ sẽ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước của thế hệ đi trước, ghi nhớ một ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của mỗi con người, ngày càng yêu đất nước hơn và luôn chất chứa những tình cảm đẹp đẽ của con người, dân tộc Việt Nam hướng về Tổ quốc và không ngừng ra sức phấn đấu góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, tiến bộ./.
Kim Trinh, Trung tâm Lưu trữ lịch sử.