Công tác bảo quản, bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ lịch sử tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử
Tài liệu lưu trữ là một trong những nguồn di sản văn hóa có giá trị đặc biệt quan trọng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Tài liệu lưu trữ chỉ thực sự phát huy giá trị khi được khai thác, sử dụng để phục vụ các mặt hoạt động khác nhau của đời sống xã hội.
Viên chức Trung tâm Lưu trữ lịch sử kiểm tra
tình trạng vật lí tài liệu trong Kho lưu trữ
Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ lịch sử đã thu thập và bảo quản 179 phông tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử với 2.138,94 mét giá tài liệu giấy. Phần lớn là tài liệu hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đa dạng về thành phần, phong phú về nội dung phản ánh mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đồng Tháp qua các thời kỳ lịch sử. Đây là nguồn tài liệu lưu trữ quý giá của Tỉnh, là cầu nối trực tiếp giữa quá khứ và hiện tại và có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu cần được bảo quản, giữ gìn và phát huy có hiệu quả nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của Tỉnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trung tâm luôn cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt Viên chức của cơ quan thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về công tác bảo quản tài liệu lưu trữ ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ Lưu trữ lịch sử, vận hành thiết bị, công nghệ đảm bảo an toàn Kho Lưu trữ lịch sử, qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, giới thiệu phát huy giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử của Tỉnh nhà đúng chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh.
Hơn 02 năm qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tổ chức sắp xếp lại tài liệu, kệ lưu trữ trong Kho đúng quy định, bố trí thiết bị bảo vệ, bảo quản khoa học giúp Nhà nước tiết kiệm được chi phí phục vụ công tác lưu trữ, chuyên môn tra cứu nhanh chóng hơn. Thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng vật lí của tài liệu, xử lý đối với hồ sơ, tài liệu có nguy cơ hư hỏng như: ẩm mốc, mối mọt, côn trùng cắn, bảo quản đúng chế độ quy định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nồng độ khí độc và chế độ thông gió trong kho,…vệ sinh định kỳ để kéo dài tuổi thọ của tài liệu lưu trữ.
Tài liệu được bảo quản tại Kho lưu trữ Tỉnh
Trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tiếp tục hợp tác với các cơ quan trên địa bàn Tỉnh hướng dẫn cách sắp xếp, bảo quản tài liệu lưu trữ; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch trình Sở Nội vụ cho chủ trương thực hiện sưu tầm, thu thập tài liệu, vật phẩm có giá trị lịch sử cung cấp nguồn lưu trữ của Tỉnh phong phú hơn, nhất là công bố tài liệu phục vụ phát triển KT-XH, phát huy giá trị tài lưu trữ thật sự đi vào lòng công chúng và đóng vai trò là bộ nhớ của dân tộc, của quốc gia, số hóa tài liệu thích ứng nhanh trong bối cảnh xây dựng chính quyền số đúng định hướng của Tỉnh, Chính phủ. Duy trì thực hiện tốt chế độ bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu có nguy cơ tự hủy, kịp thời thay đổi trang thiết bị hư hỏng, tiếp tục có giải pháp cải thiện môi trường làm việc, nâng cao trách nhiệm của Viên chức với tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác và yêu nghề, gắn bó với công việc lưu trữ lâu dài./.
Thúy Oanh, Trung tâm Lưu trữ lịch sử.