TỔ CHỨC BIÊN CHẾ VÀ CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC

TỔ CHỨC BIÊN CHẾ VÀ CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC CỦA NGHỊ ĐỊNH 89/2021/NĐ-CP

10 thg 11 2021 - 14:20:00

1. Về đối tượng

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bỏ đối tượng “công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập” trong Nghị định số 101/2017/NĐ-CP nhằm phù hợp với khái niệm công chức theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019.
Theo đó, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng hiện nay gồm có:

a) Cán bộ trong các cơ quan nhà nước;

b) Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).

2. Về hình thức bồi dưỡng

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bỏ hình thức bồi dưỡng tập sự và bổ sung hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Riêng hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 01 tuần/01 năm; một tuần được tính bằng 05 ngày học, một ngày học 08 tiết) đã được điều chỉnh thành một trong những chương trình yêu cầu tham gia bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên, không còn mang tính “bắt buộc” mà tùy theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức và theo nhu cầu cá nhân, với thời gian tối thiểu 01 tuần (40 tiết/năm), tối đa là 04 tuần (160 tiết/năm).

3. Về nội dung bồi dưỡng

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bỏ nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ, đồng thời điều chỉnh tên gọi nhóm Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế thành kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

4. Về chương trình, tài liệu bồi dưỡng

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP đã bỏ một số chương trình, tài liệu bồi dưỡng và rút ngắn thời gian bồi dưỡng ở mỗi chương trình, cụ thể:

- Nghị định đã bỏ: chương trình bồi dưỡng ngạch cán sự và tương đương; chương trình, tài liệu bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương.

- Rút ngắn từ 02 – 04 tuần đối với chương trình, tài liệu: bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên và tương, chuyên viên chính và tương đương; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

5. Quản lý chương trình bồi dưỡng

Nghị định 89/2021/NĐ-CP bổ sung chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành và quản lý. Đồng thời các chương trình bồi dưỡng khác thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành Trung ương (bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng quốc phòng và an ninh, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức..) không cần phải có ý kiến của Bộ Nội vụ trước khi ban hành.

6. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng

Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bổ sung quy định: Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng; không quy định việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng và giao cho Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng và mẫu chứng chỉ.

Ngoài ra, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP còn quy định việc cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (Chương trình, tài liệu bồi dưỡng: kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành) hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.

7. Phân công tổ chức bồi dưỡng

Nghị định 89/2021/NĐ-CP đã bỏ chương trình, tài liệu bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương và chương trình bồi dưỡng ngạch cán sự và tương đương, do đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng không còn được phân công tổ chức bồi dưỡng nội dung này theo chức năng, thẩm quyền tương ứng.

8. Bổ sung điều khoản áp dụng

Nghị định 89/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng sẽ áp dụng đối với người làm việc trong tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, cụ thể như sau:

- Người làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong phạm vi cả nước, theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao được áp dụng quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức.

- Người làm việc trong đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị sự nghiệp thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được áp dụng quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.

Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng Phòng TCBC và CCVC – Sở Nội vụ

 

CÁC TIN KHÁC

Thông báo

Banner Lịch công tác

Banner Danh bạ hộp thư điện tử

Banner Lịch tiếp công dân

Banner Thi tuyển thi nâng ngạch công chức

Banner Bộ Nội vụ

Banner Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp

Banner Đường dây nóng

Banner Phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ cbccvc

Banner Công khai ngân sách

Banner Tổng đài 1022

Banner liên kết website

Xuất bản thông tin

Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 362

Khách online: 3